Thủ lĩnh nổi dậy Hoàng Sào

Hợp binh với Vương Tiên Chi

Năm 874, Vương Tiên ChiThượng Quân Trường nổi dậy tại Trường Viên[chú 2] và đến năm 875 thì họ nhiều lần đánh bại Thiên Bình tiết độ sứ Tiết Sùng (薛崇). Hoàng Sào cũng nổi dậy với vài nghìn người và hợp binh với Vương Tiên Chi.[5]

Năm 876, Vương Tiên Chi thông qua quan triều Đường là Vương Liêu (王鐐)- thân thích của tể tướng Vương Đạc, và Kì châu thứ sử Bùi Ác (裴偓) để đàm phán hòa bình với triều đình Trường An. Theo ý của Vương Đạc, Đường Hy Tông cử sứ giả đến tuyên bố sách phong Vương Tiên Chi làm quan. Tuy nhiên, Hoàng Sào lại không được phong chức gì, ông tức giận và nói:[5]

Ban đầu chúng ta cùng lập đại thệ, hoành hành Thiên hạ. Nay chỉ mình ngươi được nhận chức quan tả quân, 5000 binh sĩ ở đây biết về đâu?

Hoàng Sào đánh vào đầu Vương Tiên Chi, các binh sĩ nổi dậy cũng đồng thanh phản đối hòa giải. Vương Tiên Chi lo sợ trước cơn thịnh nộ của quân sĩ nên quay sang chống lại Bùi Ác và cướp phá Kì châu. Tuy nhiên, sau đó đội quân nổi dậy bị phân thành hai nhóm, một nhóm theo Vương Tiên Chi, và một nhóm đi theo Hoàng Sào.[5]

Các lối hành binh của nghĩa quân nước Tề

Sau khi tách khỏi Vương Tiên Chi

Sau đó, Hoàng Sào tiến quân khắp vùng miền Trung của Trung Hoa, nhiều lần giao chiến với quân Đường:

  • Vào mùa xuân năm 877, Hoàng Sào công chiếm thủ phủ Vận châu của Thiên Bình quân, giết chết Tiết độ sứ Tiết Sùng, và sau đó công chiếm Nghi châu [chú 3].[6]
  • Vào mùa hè năm 877, Hoàng Sào hội quân với Thượng Nhượng tại Tra Nha Sơn[chú 4]. Hoàng Sào và Vương Tiên Chi sau đó lại hợp binh trong một thời gian ngắn và bao vây tướng Đường là Bình Lô[chú 5] (宋威) tại Tống châu[chú 6]. Tuy nhiên, một tướng Đường khác là Trương Tự Miễn (張自勉) sau đó đem quân tiến đến và đánh bại quân nổi dậy, họ phải bỏ bao vây Tống châu và phân tán.[6]
  • Vào mùa đông năm 877, Hoàng Sào cướp phá Kì châu và Hoàng châu[chú 7]. Tuy nhiên, Hoàng Sào chiến bại trước tướng Đường là Tăng Nguyên Dụ (曾元裕), rồi chạy trốn. Hoàng Sào sau đó chiếm được Khuông Thành[chú 8] và Bộc châu[chú 9].[6]

Vào mùa xuân năm 878, khi Hoàng Sào đang bao vây Bạc châu[chú 10], Vương Tiên Chi bị Tăng Nguyên Dụ tiêu diệt, Thượng Nhượng đem tàn dư đội quân của Vương Tiên Chi đến hợp binh với Hoàng Sào tại Bạc châu. Thượng Nhượng đề nghị Hoàng Sào xưng vương. Hoàng Sào lấy hiệu là Xung Thiên đại tướng quân, cải nguyên "Vương Bá", nhằm thể hiện sự độc lập với triều đình Đường. Sau đó, Hoàng Sào lại công chiếm Nghi châu và Bộc châu, song sau lại phải chịu một số thất bại trước quân Đường. Do đó, Hoàng Sào viết thư cho Thiên Bình tiết độ sứ mới được bổ nhiệm là Trương Tích (張裼), nhờ Trương Tích thượng biểu xin triều đình phong quan cho mình. Theo đề xuất của Trương Tích, Đường Hy Tông hạ chiếu bổ nhiệm Hoàng Sào là 'hữu vệ tướng quân', song lệnh cho Hoàng Sào đưa quân đến Vận châu giải giáp trước khi đến Trường An. Trước các điều kiện này, Hoàng Sào từ chối tuân chỉ, ông tiến công Tống châu và Biện châu[chú 11], sau đó tiến công Vệ Nam[chú 12], và kế tiếp là tiến công Diệp huyện[chú 13] và Dương Trạch[chú 14]. Đường Hy Tông do đó phái quân lính từ ba quân đến trấn thủ đông đô Lạc Dương, cũng lệnh cho Tăng Nguyên Dụ tiến đến Lạc Dương. Do quân Đường tập trung trấn thủ Lạc Dương, Hoàng Sào chuyển sang tiến về phương nam.[6]

Hành quân về phương nam

Hoàng Sào vượt Trường Giang và chiếm được một số châu ở bờ nam: Kiền châu[chú 15], Cát châu[chú 16], Nhiêu châu[chú 17], và Tín châu[chú 18]. Vào mùa thu năm 878, Hoàng Sào tiến về phía đông bắc và tiến công Tuyên châu[chú 19], đánh bại Tuyên Thiệp quan sát sứ Vương Ngưng (王凝) tại Nam Lăng[chú 20], song không thể chiếm được Tuyên châu. Do đó, Hoàng Sào tiếp tục tiến về đông nam và tiến công Chiết Đông[chú 21], và sau đó, theo một tuyến đường vùng núi, ông tiến công Phúc Kiến[chú 22] vào mùa đông năm 878. Tuy nhiên, trong cuộc hành quân này, Hoàng Sào vài lần chiến bại trước các bộ tướng của Trấn Hải tiết độ sứ Cao Biền là Trương Lân (張璘) và Lương Toản (梁纘), một số bộ tướng của Hoàng Sào đầu hàng Trấn Hải quân. Hoàng Sào tiếp tục tiến xa hơn về phương nam, hướng đến vùng Lĩnh Nam.[6]

Vương Đạc được Hoàng đế Đường phong là 'Nam diện hành doanh chiêu thảo đô thống' và Kinh Nam tiết độ sứ, Vương Đạc bổ nhiệm Lý Hệ (李係) là 'hành doanh phó đô thống', kiêm Hồ Nam quan sát sứ, ngăn chặn đường tiến về phương bắc của Hoàng Sào. Trong khi đó, Hoàng Sào viết thư cho Chiết Đông quan sát sứ Thôi Cầu (崔璆) và Lĩnh Nam Đông đạo[chú 23] tiết độ sứ Lý Điều (李迢), xin họ làm trung gian dàn xếp giúp ông, nói rằng sẽ chịu quy phục triều đình nếu được phong là Thiên Bình tiết độ sứ. Thôi Cầu và Lý Điều chuyển tiếp đề xuất của Hoàng Sào về Trường An, song Đường Hy Tông từ chối. Hoàng Sào sau đó trực tiếp thượng biểu cho Đường Hy Tông, đề nghị được bổ nhiệm là Lĩnh Nam Đông đạo tiết độ sứ. Tuy nhiên, do sự phản đối của tể tướng Vu Tông, Đường Hy Tông vẫn tiếp tục từ chối đề xuất của Hoàng Sào, chỉ đồng ý để Hoàng Sào làm 'phủ soái'. Hoàng Sào nhận được chiếu chỉ thì tức giận và xem đây là một hành động sỉ nhục. Vào mùa thu năm 879, Hoàng Sào tiến công Quảng châu- thủ phủ của Lĩnh Nam Đông đạo, chiếm được thành sau một ngày bao vây và bắt giữ Lý Điều. Hoàng Sào đề nghị Lý Điều một lần nữa thượng biểu cho Đường Hy Tông, song lần này Lý Điều từ chối và bị hành quyết.[6]

Hành quân về bắc

Tuy nhiên, khi ở Lĩnh Nam, các binh sĩ của Hoàng Sào phải chịu cảnh đau ốm và khoảng 30-40% thiệt mạng. Khi các thuộc hạ chủ chốt đề xuất nên hành quân về lại phương bắc, Hoàng Sào chấp thuận. Hoàng Sào cho kết bè tại Quế châu[chú 24] và xuôi theo Tương Giang tiến đến Đàm châu- thủ phủ của Hồ Nam - vào mùa đông năm 879. Hoàng Sào chỉ mất một ngày để chiếm Đàm châu, Lý Hệ chạy trốn đến Lãng châu[chú 25].[6]

Bản thân Hoàng Sào đi bè theo Tương Giang và qua Giang Lăng để tiến công Tương Dương- thủ phủ của Sơn Nam Đông đạo. Tuy nhiên, Hoàng Sào chiến bại trước liên quân của Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Lưu Cự Dung (劉巨容) và tướng triều đình là Tào Toàn Trinh (曹全晸), còn bị truy kích đến tận Giang Lăng. Tuy nhiên, Lưu Cự Dung lại lo ngại rằng nếu bắt Hoàng Sào thì ông ta sẽ không còn được triều đình xem trọng, vì thế ngừng lại việc truy kích, Tào Toàn Trinh cũng thôi không truy kích. Sau đó, Hoàng Sào tiến về phía đông và tiến công Ngạc châu[chú 26], và cướp phá 15 châu xung quanh. Tuy nhiên, Hoàng Sào khi đó cũng bị Trương Lân đẩy lui nhiều lần. Do các chiến công của Trương Lân, triều đình Đường cho thượng cấp của Trương Lân là Cao Biền thay thế chức đô thống của Vương Đạc.[6]

Quân của Hoàng Sào liên tiếp bại trận trước quân của Trương Lân, ngoài ra còn bị dịch bệnh, Hoàng Sào khi đó đang đóng trại tại Tín châu[chú 27], ông quyết định hối lộ để thoát khỏi tình thế khó khăn. Ông gửi nhiều vàng cho Trương Lân và viết một lá thư cầu xin Cao Biền. Tuy nhiên, ngay sau khi Cao Biền triệu hồi các đội quân tăng viện, Hoàng Sào phá vỡ đàm phán và thách thức Trương Lân giao chiến. Cao Biền tức giận và lệnh cho Trương Lân tiến đánh, song lần này, vào mùa xuân năm 880, Hoàng Sào đánh bại dứt điểm và giết chết Trương Lân, khiến Cao Biền hoảng sợ.[6]

Sau khi đánh bại Trương Lân, Hoàng Sào chiếm Tuyên châu, và đến mùa hè năm 880, Hoàng Sào vượt sang bờ bắc Trường Giang tại Thái Thạch[chú 28], bao vây các tiền đồn phòng thủ của Hoài Nam là Thiên Trường[chú 29] và Lục Hợp[chú 30], không xa đại bản doanh của Cao Biền tại Dương châu. Đường Hy Tông hạ chiếu chỉ cho các quân ở bờ nam Hoàng Hà phái quân đến Ân Thủy[chú 31] để ngăn Hoàng Sào tiến sâu hơn, và cũng khiển Cao Biền cùng Thái Ninh tiết độ sứ Tề Khắc Nhượng ngăn chặn Hoàng Sào. Tuy nhiên, Cao Biền không thể khiến đội quân 15 vạn lính của Hoàng Sào phải dừng lại.[6] Sau đó do tranh chấp trong nội bộ hàng ngũ binh sĩ triều đình, quân sĩ của các quân đóng tại Ân Thủy phân tán, con đường của Hoàng Sào trở nên rộng mở. Hoàng Sào vượt sang bờ bắc Hoài Hà, và từ thời điểm này, quân của Hoàng Sào dừng hành vi cướp bóc của cải, song cưỡng ép nhiều tráng niên tòng quân để tăng cường lực lượng.[6]

Chiếm Lạc Dương và Trường An

Bắt đầu vào mùa đông năm 880, Hoàng Sào tiến quân hướng đến Lạc Dương và Trường An, ông tuyên bố mục tiêu của mình là bắt Đường Hy Tông để hoàng đế phải chịu trách nhiệm cho tội ác của mình. Quân Hoàng Sào nhanh chóng chiếm được đông đô Lạc Dương của Đường.[2]

Sau đó, Hoàng Sào tiến công Đồng Quan, Tề Khắc Nhượng và Trương Thừa Phạm kháng cự trong hơn một ngày, sau đó do quân của Tề Khắc Nhượng đói và mệt mỏi nên tan rã và chạy trốn, còn Tề Khắc Nhượng cố gắng trấn thủ song cũng thất bại, Đồng Quan thất thủ. Đường Hy Tông và Điền Lệnh Tư từ bỏ Trường An và chạy hướng đến Tây Xuyên[chú 32] vào ngày 8 tháng 1 năm 881.[1] Cũng trong ngày hôm đó, tướng tiên phong Sài Tồn (柴存) của quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Kim Ngô đại tướng quân của Đường là Trương Trực Phương cùng một số quan văn võ nghênh tiếp Hoàng Sào vào thành. Thượng Nhượng tuyên bố với người dân Trường An rằng: "Hoàng Vương khởi binh là vì bách tính, không như họ Lý khi trước không yêu thương dân chúng, hãy an cư đừng sợ hãi". Tuy nhiên, mặc dù Thượng Nhượng đảm bảo rằng tài sản của dân chúng sẽ được tôn trọng, song quân lính của Hoàng Sào nhiều lần cướp bóc trong kinh thành. Trong một thời gian ngắn, Hoàng Sào sống trong phủ đệ của Điền Lệnh Tư, song vài ngày sau thì chuyển đến hoàng cung của vương triều Đường. Hoàng Sào cũng hạ lệnh đồ sát các thành viên hoàng tộc Đường.[2]